Tuesday, October 2, 2007

Sống

Hồi xưa có đọc một câu nói đại loại là mỗi ngày còn sống trên cõi đời này là phải sống hết mình, chứ thôi chết rồi là hết (Live each day as if it were your last). Bởi vậy cái gì làm được thì hãy làm ngay, đừng chần chờ có thể sẽ không có cơ hội thực hiện. M từng gật gù tấm tắc khen chí lí, rồi ...thôi, chứ cũng chẳng cố gắng đem ra áp dụng.

Hôm qua nhận được tin dữ về đứa bạn nhỏ hơn M một tuổi đã ra đi. Sửng sốt. Bàng hoàng. Không muốn tin. Thấy vô lý, thấy ông trời bất công. M add nó vào friendlist mới gần đây thôi mà. Vừa tạm biệt nó để lên đường cách đây có mấy ngày. Ai có ngờ lại là vĩnh biệt...

Chợt nhớ lại câu nói xưa, thấy hoảng sợ. Có quá nhiều việc M cần làm mà chưa chịu làm. Nhiều tâm sự cần giãi bày, nhiều khúc mắc cần giải toả. Nhiều lời yêu thương chưa bày tỏ, nhiều nỗi giận hờn chưa nói ra...

Thời gian thì không chờ đợi, mà cuộc sống sao bỗng thấy mỏng mảnh dễ vỡ đến thế...

Rest in peace, my friend!

Monday, October 1, 2007

Hài Kịch Không Cười Nổi

Tài xế tay bật đĩa tấu hài hải ngoại, miệng giới thiệu cái này hay lắm, mắc cười lắm nè.

M coi mà nhăn mặt, chẳng thấy mắc cười, chỉ thấy kiểu tấu hài chọc léc rẻ tiền, nhiều chỗ thô tục. Vậy mà không hiểu sao mà khán giả cười rần rần?!

W mỉa mai thôi đừng có bày đặt lên giọng trí thức mà chê bai, coi thường loại hình giải trí của "người bình thường".

M cãi đây là hài kịch của Việt kiều đàng hoàng, cả nghệ sĩ lẫn khán giả đều đã và đang được sống cùng "văn minh phương Tây" mà? Sao chẳng thấy hài kịch witty được như của dân Anh hay kể cả dân Mỹ chính thống?

W chống chế, thì văn hoá khác nhau mà, hài kịch cũng phải thế chứ!

M nhíu mày, chẳng lẽ do khác biệt văn hoá mà một bên thì chọc lét khán giả bằng những nguyên liệu vô duyên, dễ dãi, một bên thì khiến khán giả bật cười bằng những nhận xét ý nhị/thông minh/hài hước, những tình huống tréo ngoe mang đầy tính trào phúng/phê phán ?

W bảo, thị hiếu khán giả thế nào thì hài kịch thế đó chứ sao?

M ngậm ngùi, thế thì đành chịu vậy...

Trên Đường Về

Hôm trước đi xe "dù" về quê. Không chợp mắt được nên buộc lòng phải dòm ra "ngắm" cảnh hai bên đường. Ngỡ ngàng thấy cảnh đồng ruộng mênh mông ngút ngàn quen thuộc đã bị che khuất gần hết bằng toàn là nhà và nhà, hầu hết mới toe. Màu xanh rì của lúa mà mình rất thích giờ thay bằng những mảng màu xanh đỏ tím vàng loè loẹt của những ngôi nhà cao thấp lộn xộn mà chủ nhân chắc có mắt thẩm mĩ của mấy bé mẫu giáo.

Cái đầu dân học kinh tế tự bào chữa ờ, thì người ta được đền bù giải toả, có tiền xây mới nhà cửa cho khang trang, chứ chẳng lẽ sống mãi trong những căn nhà lối xưa dung dị, nhỏ nhắn và "quê mùa"? Với lại, có mặt tiền ngon lành thế này còn gắn bó với nghề nông làm gì cho cực, mở tiệm buôn bán này nọ để đổi đời có hơn không? Chẳng phải đã được học là tương lai đất nước không nên gắn chặt với nông lâm nghiệp nữa, phải hướng đến công nghiệp, dịch vụ đó sao?

Rồi cũng cái đầu dân kinh tế cà chớn chuyên nói nước đôi cãi lại, thế còn bản sắc làng xóm giờ phai nhạt, nông thôn đầy rẫy tệ nạn du nhập từ thành thị, không còn trong lành khoáng đạt như xưa thì sao? Tình làng nghĩa xóm, anh em bà con gì cũng dẹp qua một bên để tham gia xung đột chia xẻ tranh giành đất ông bà nhằm hưởng lợi từ đền bù, từ giá đất tăng, như thế mà coi được à?

Ờ thì trong kinh tế, cái gì cũng có costs và benefits, nôm na là được mất, phải chịu chứ sao? Coi như phải hi sinh chút đỉnh thì mới phát triển kinh tế, giàu lên, "văn minh" lên chớ!

Lí lẽ này nghe cũng xuôi tai, nhưng sao nhìn hai bên đường, lòng vẫn bùi ngùi tiếc một chút gì chất phác thân thương...